“Womenomics” – Một xã hội nơi phụ nữ tỏa sáng
“Thúc đẩy hơn nữa học thuyết kinh tế phụ nữ: Tăng cường cơ hội cho phụ nữ” là chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu mới diễn ra tại Nhật Bản. Đó là chia sẻ trong cuộc phỏng vấn của Tạp chí Thương Gia với bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ […]
“Thúc đẩy hơn nữa học thuyết kinh tế phụ nữ: Tăng cường cơ hội cho phụ nữ” là chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu mới diễn ra tại Nhật Bản.
Đó là chia sẻ trong cuộc phỏng vấn của Tạp chí Thương Gia với bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam xung quanh chủ đề này.
Bà Minh cho biết, học thuyết “Womenomics” được thủ tướng Shinzo Abe phát động tại Nhật Bản trong cam kết thúc đẩy quyền năng của phụ nữ. Sau khi lên nắm quyền lần thứ 2 vào năm 2012, Thủ tướng Abe đã thi hành một loạt chính sách nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế và coi đó là trụ cột trong chiến lược phát triển, trong bối cảnh già hoá dân số tại Nhật. Tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu ngày 11/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hoan nghênh nỗ lực thực hiện và nhân rộng học thuyết kinh tế phụ nữ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới của khu vực và trên thế giới. Chính quyền Nhật Bản đang cam kết tạo ra “Một xã hội nơi phụ nữ tỏa sáng” và đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Nhật Bản sẽ có 30% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
– Bà có thể bình luận thêm về chủ đề Hội nghị năm nay, thưa bà?
Học thuyết kinh tế phụ nữ của Thủ tướng Abe không chỉ là thông điệp gửi tới riêng người dân Nhật Bản mà còn là thông điệp gửi tới tất cả hơn 1.300 đại biểu đến từ hơn 60 nước trên thế giới tham dự Hội nghị năm nay. Việc tạo cơ hội và khuyến khích phụ nữ tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động kinh tế ở tất cả các quốc gia là hết sức cần thiết để chúng ta tạo ra một thế giới bình đẳng, phát triển bền vững và không bỏ ai lại phía sau.
Tham dự hội nghị lần này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đánh giá cao học thuyết kinh tế phụ nữ. Phó Chủ tịch nước cho rằng đây là một học thuyết rất có ý nghĩa, đã làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta về giá trị và những đóng góp của phụ nữ đối với nền kinh tế nói riêng và toàn xã hội nói chung. Học thuyết kinh tế phụ nữ đã được triển khai mạnh mẽ như một bộ phận quan trọng của chính sách Abenomics và bước đầu đã đem lại những kết quả thuyết phục, như tăng số lượng phụ nữ tham gia các cơ quan chính phủ lên mức kỷ lục, tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thêm gần 7% so với năm 2010. Chính sách này chắc chắn sẽ cải thiện sự năng động của nền kinh tế và nâng cao tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản trong những năm tới.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tặng tranh lưu niệm cho ông Akio Mimura – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản
– Theo giới chuyên gia, chúng ta đang ở đỉnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tác động gì tới việc thúc đẩy hơn nữa học thuyết kinh tế phụ nữ không, thưa bà?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (FIR) hay còn gọi là công nghiệp 4.0 sẽ là một xu thế lớn sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện đến nền kinh tế của mỗi quốc gia như về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động… Trên phạm vi toàn cầu, FIR đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Qua công nghệ số, nữ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, kết nối, cung cấp các dịch vụ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu dễ dàng hơn. Từ đó, phụ nữ góp sức vào việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, tăng cường khả năng thích ứng trước những biến động và cú sốc về kinh tế, tài chính cũng như trước thiên tai và dịch bệnh. Ngoài ra, công nghệ hiện đại hỗ trợ phụ nữ thuận lợi trong điều hành công việc, giảm thời gian và gánh nặng công việc gia đình thông qua các thiết bị điện tử, thông minh.
Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy thông minh, trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định, sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn, trước hết là cho người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm thông minh, thuận lợi với giá rẻ…
“Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 27 tại Tokyo, Nhật Bản, đoàn doanh nghiệp Việt Nam gồm hơn 60 thành viên là các giám đốc, lãnh đạo của các doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước, tập trung ở một số lĩnh vực như: sản xuất và chế biến nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất và gia công các mặt hàng xuất khẩu (dệt may, da giày); xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế; sản xuất kinh doanh dược phẩm… Năm nay, Việt Nam có số lượng đại biểu tham dự đông đứng thứ ba của hội nghị.
– Bên cạnh các lợi ích thì cuộc cách mạng này còn tiềm ẩn nguy cơ mất việc làm của lực lượng lao động phổ thông, trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ cao, thưa bà?
Đi cùng với các lợi ích thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tiềm ẩn nguy cơ mất việc làm của lực lượng lao động phổ thông, trình độ chuyên môn, tay nghề thấp, trong đó phụ nữ chiếm tỷ lệ cao. Việc dịch chuyển khoa học kỹ thuật vào các ngành sản xuất đồng nghĩa với việc tăng cường sử dụng các thiết bị, máy móc và công nghệ hiện đại, thay thế dần con người. Đây là nguy cơ chính phá vỡ sự cân bằng về thị trường lao động.
Việc sử dụng lao động, đặc biệt lao động nữ trong các ngành dịch vụ, sản xuất, công nghệ sẽ dần bị thay thế. Do đó, số phụ nữ bị mất việc sẽ nhiều hơn nam giới do phụ nữ khó thích nghi với công nghệ kỹ thuật cao trong các việc làm mới do FIR tạo ra. Từ việc giảm sút lao động có thể dẫn đến việc giảm sút thu nhập do nhu cầu nhân lực trình độ cao nhiều hơn, lao động phổ thông giảm mạnh. Bên cạnh đó, FIR đòi hỏi các doanh nghiệp phải bắt nhịp trong cách tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Nếu các doanh nhân nữ không chủ động nắm bắt các công nghệ mới và đáp ứng được việc hội nhập toàn cầu sẽ dẫn đến những nguy cơ liên quan đến việc tụt hậu, phá sản.
Để tận dụng cơ hội và thách thức của FIR, mỗi nước cần phải thúc đẩy chính sách tạo ra những vườn ươm công nghệ, chuyển giao các công nghệ mới cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng lao động nữ; đào tạo cho lao động nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng, vận hành các công nghệ tiên tiến. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ chương trình khởi nghiệp cho phụ nữ, để lao động nữ có thể chuyển đổi ngành nghề và đảm bảo có thu nhập tốt.
Đoàn nữ doanh nhân và chính khách Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu
– Theo bà, làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa học thuyết kinh tế phụ nữ, tăng cường cơ hội cho phụ nữ?
Để thúc đẩy hơn nữa học thuyết kinh tế phụ nữ, mỗi quốc gia cần nâng cao nhận thức trong xã hội về bình đẳng giới, xóa bỏ các định kiến về vai trò của phụ nữ. Đồng thời, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về bình đẳng giới nhằm tạo cơ sở pháp lý và bộ máy triển khai các biện pháp nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Trên cơ sở đó, các cơ quan của chính phủ, địa phương, doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược, chính sách liên quan đến bình đẳng giới, hỗ trợ và khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm bình đẳng về giáo dục, cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến giữa nam giới và nữ giới trong các cơ quan của chính phủ, trong các doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.
Cụ thể, đối với Nhà nước, cần có chính sách tạo thuận lợi cho doanh nhân nữ phát triển, các chương trình hỗ trợ thiết thực để giảm thiểu các rào cản, giúp các doanh nhân nữ phát huy được tiềm năng, cống hiến và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội.
Các tổ chức hỗ trợ như Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước, các hiệp hội cũng cần thiết kế các chương trình đặc thù hỗ trợ cho doanh nhân nữ giúp họ tự tin hơn, nâng cao kiến thức, kỹ năng và cung cấp thông tin cập nhật cũng như thu hút họ tham gia vào mạng lưới để các doanh nhân có nhiều cơ hội hơn kết nối kinh doanh, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu một cách chuyên nghiệp.
Không chỉ ở Nhật Bản, nhiều quốc gia khác cũng đang áp dụng học thuyết kinh tế phụ nữ dưới nhiều hình thức khác nhau, khuyến khích và tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia, đóng góp tích cực hơn nữa cho các hoạt động kinh tế của đất nước. Mặt khác, cần tạo cơ hội và khuyến khích phụ nữ kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau… không chỉ trong từng quốc gia mà cả ở quy mô khu vực và toàn cầu, giúp phụ nữ phát huy mạnh mẽ hơn vai trò và đóng góp vào sự phát triển chung của mỗi quốc gia, trong đó có phát triển kinh tế.
Theo Hồ Hường ( Thương gia online)
Tin khác đã đăng
- TÔ CAM BẦU TRỜI – Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cùng Vietnam Airlines và UN Women phối hợp tổ chức nhân “Tháng hành động quốc gia vì Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” 06/12/2024
- Tô Cam Bầu trời – Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cùng Vietnam Airlines và UN Women lan tỏa thông điệp bình đẳng giới 05/12/2024
- #Sự kiện sắp diễn ra – Hội thảo về Tăng trưởng xanh tại Hà Nội ngày 11/12/2024 Hội thảo “Thúc đẩy quan hệ hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh và nâng cao năng lực kinh tế của phụ nữ” 04/12/2024
- “Tô cam bầu trời” hành trình Hà Nội – Băng Cốc ngày 2/12/2024 – Bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới 03/12/2024
- Chương trình “Hành trình tiến tới Bình đẳng và Thịnh vương” ngày 28/11/2024 tại Hà Nội 02/12/2024
There are no comments yet