Phỏng vấn Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam trước sự kiện Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN lần thứ 2 năm 2016 với chủ đề: “Tạo thuận lợi cho Doanh nhân Nữ nhằm thúc đẩy sự phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN” ngày 4-5/3/2016 tại Hà Nội

Hỏi: Thưa Ông/Bà, từ năm nay, nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi, Hiệp định đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã được ký kết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được chính thức thành lập, dự báo sẽ có nhiều tác động lớn đối […]

Hỏi: Thưa Ông/Bà, từ năm nay, nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi, Hiệp định đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã được ký kết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được chính thức thành lập, dự báo sẽ có nhiều tác động lớn đối với thị trường Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong đó có rất nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ. Vậy theo Bà, đâu là khó khăn cũng như thách thức của các nữ doanh nhân trong thời kì hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam như hiện nay, và đặc biệt là thách thức trong kinh doanh trong cộng đồng kinh tế ASEAN?

Xu thế hội nhập của khu vực và thế giới đang diễn ra rất mạnh mẽ. Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ và đặc biệt là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Điều này sẽ mang đến rất nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn thách thức khó lường đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng như đội ngũ doanh nhân nữ nói riêng. Bên cạnh những thách thức chung về khả năng cạnh tranh, năng suất lao động, chất lượng và mẫu mã sản phẩm, quản lý chi phí…thì Doanh nhân nữ còn có những khó khăn riêng do cấu trúc sinh học của giới tính, tập quán, văn hóa của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á: Đó là sự kỳ vọng của xã hội và gia đình đối với vai trò của người phụ nữ trong việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái…do vậy các doanh nhân nữ thiếu thời gia tham gia các network để kết nối kinh doanh cũng như được học tập các kinh nghiệm thành công; thiếu cơ hội để tiếp cận thông tin, đào tạo, tư vấn, tiếp cận vốn…, đặc biệt tiếng Anh, công nghệ thông tin cũng là một rào cản mà các doanh nhân nữ cần phải vượt qua.

Hỏi: Việc hình thành AEC cũng khiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp ASEAN về hàng hoá, dịch vụ, đầu tư,… Thách thức này có thể sẽ lớn hơn đối với các doanh nhân nữ ASEAN . Vậy theo Bà, các nữ doanh nhân cần phải làm gì để giải quyết được vấn đề này?

Việc hình thành AEC có nhiều cơ hội, song cũng dẫn đến cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nội khối, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp do nữ làm chủ. Nếu như khủng hoảng tài chính vừa qua, các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng nặng nề hơn, thì hội nhập, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt các doanh nghiệp do nữ làm chủ sẽ là khu vực dễ bị tổn thương hơn. Chúng ta đều biết, doanh nghiệp do nữ làm chủ thường nằm trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và cực nhỏ, khu vực này thường sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, hơn nữa doanh nhân nữ trong khối ASEAN lại tập trung sản xuất kinh doanh trong  một số ngành nghề, lĩnh vực giống nhau như: Dệt may, giầy da, chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ và dịch vụ,.. như vậy nếu tham gia thị trường khu vực thì các doanh nhân nữ sẽ phải cạnh tranh trên các lĩnh vực, mặt hàng có cùng  thế mạnh. Khi hình thành AEC, sẽ có sự dịch chuyển tự do về đầu tư, công nghệ, dịch vụ, lao động có tay nghề cao… Nếu như các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nhân nữ nói riêng không chủ động để thu hút các dòng chảy này đến với Việt Nam, thì sẽ là điểm đi từ Việt Nam.

Hỏi: Sự hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới là cơ hội khẳng định phụ nữ đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Những người phụ nữ này không chỉ chăm lo cho gia đình mà còn phải dành thời gian để tham gia làm kinh tế. Vì vậy, theo Ông/Bà trong vai trò là người đứng đầu doanh nghiệp, các nữ doanh nhân cần những yếu tố gì để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và đưa doanh nghiệp thành công?

Đã là doanh nhân thì đều cần phải có niềm đam mê, có ý tưởng tốt, dám nghĩ, dám làm, quyết đoán và chấp nhận rủi ro. Nhưng đối với doanh nhân nữ thì còn cần thêm 1 yếu tố nữa đó là trang bị tốt các kỹ năng để cân bằng giữa công việc kinh doanh và công sống gia đình. Đây là yếu tố khác biệt giữa doanh nhân nam và doanh nhân nữ.

Như một kết quả từ sự kỳ vọng của xã hội và gia đình về vai trò của người phụ nữ cũng như xuất phát từ kết cấu sinh học nên phần lớn phụ nữ khi khởi nghiệp đều xuất phát từ mục tiêu mưu sinh hoặc duy trì truyền thống kinh doanh của gia đình. Trong khi nam giới khởi sự kinh doanh lại vì mục tiêu tăng trưởng. Đã có nhiều báo cáo nghiên cứu chỉ ra những rào cản đối với phụ nữ khi khởi sự doanh nghiệp và điều hành sản xuất kinh doanh, đó là: Trình độ năng lực quản lý, khả năng tiếp cận nguồn vốn, thông tin, công nghệ…cũng có rào cản từ chính bản thân người phụ nữ: đó là sự bằng lòng, sự chấp nhận những định kiến giới từ gia đình và xã hội “Đàn ông quạnh nhà, đàn bà quạnh bếp”. Vì vậy trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngoài việc các doanh nhân nữ phải không ngừng đổi mới sản xuất, tái cấu trúc thị trường thì còn cần đổi mới tư duy lãnh đạo, phải chủ động hơn, định vị được doanh nghiệp, xác định hướng đi, xây dựng chiến lược và đánh giá được rủi ro tiềm ẩn, kết nối mạng lưới, khai thác thông tin và biến các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thành sức mạnh hội nhập.

Hỏi: Không thể phủ nhận vai trò, thành quả mà những nữ doanh nhân đã đạt được trong công việc kinh doanh, thâm chí nhiều trường hợp các nữ doanh nhân làm kinh tế giỏi hơn nam giới. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, trên thực tế, các doanh nhân nữ, nhất là trong thời kỳ khởi nghiệp thường gặp nhiều thách thức, trở ngại, rào cản hơn những nam doanh nhân như: việc tiếp cận với nguồn vốn, tài chính, sự cạnh tranh,… và thường chịu nhiều rủi ro. Bà suy nghĩ ntn về vấn đề này?

 

Sự khởi đầu nào cũng có rất nhiều khó khăn và càng khó khăn hơn với việc khởi sự doanh nghiệpcủa phụ nữ. Phụ nữ khời nghiệp thường gặp khó khăn trong việc tìm đối tác, tìm sự đồng thuận của gia đình trong việc sử dụng tài sản chung để thế chấp ngân hàng. Việc viết dự án vay vốn cũng là một rào cản đối với phụ nữ mới khởi nghiệp, chưa có kinh nghiệm, chưa đạt được chỉ số tín nhiệm với ngân hàng; khó khăn trong việc điều hành quản lý nhân sự đặc biệt là đối với các đồng nghiệp nam có kinh nghiệm; việc phát triển mạng lưới, áp dụng công nghệ, triển khai chiến lược Marketing.  Bên cạnh đó, trách nhiệm  chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, cũng làm cho phụ nữ thiếu thời gian để tham gia mạng lưới, tiếp cận thông tin, công nghệ, đầu tư và các nguồn hỗ trợ từ ASEAN cũng như từ chính phủ.

 

 

Hỏi: Theo /Bà, doanh nhân nữ cần được hỗ trợ những gì để tiếp cận rộng rãi hơn nữa các thông tin như: chính sách, tài chính từ các tổ chức, chính phủ các nước, thông tin về các lĩnh vực ngành nghề triển vọng… trong lĩnh vực kinh doanh của mình tại AEC?

 

Để hỗ trợ cho doanh nhân nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp phải có sự vào cuộc của Nhà nước, các tổ chức hỗ trợ như VCCI và các hiệp hội, cùng với sự nỗ lực của bản thân doanh nhân nữ.

 

Đối với Nhà nước, cần có chính sách tạo thuận lợi cho doanh nhân nữ phát triển, các chương trình hỗ trợ thiết thực để giảm thiểu các rào cản, giúp các doanh nhân nữ phát huy được tiềm năng, cống hiến và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội.

Các tổ chức hỗ trợ như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội cũng cần thiết kế các chương trình đặc thù hỗ trợ cho doanh nhân nữ giúp họ tự tin hơn, nâng cao kiến thức, kỹ năng và cung cấp thông tin cập nhật cũng như thu hút họ tham gia vào mạng lưới để các doanh nhân có nhiều cơ hội hơn kết nối kinh doanh, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu một cách chuyên nghiệp.

Đối với bản thân các doanh nhân nữ, điều quan trọng nhất là tính chủ động, tinh thần tiên phong và khả năng quản lý sự thay đổi để có thể bắt nhịp với khu vực, lường được rủi ro, nắm lấy cơ hội trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của chính phủ, trong việc tham gia network, tiếp cận với các nhà đầu tư, đối tác, …để hội nhập thành công.

 

PV Minh Dũng, Báo Nhân Dân.

There are no comments yet

Tin khác đã đăng