Diễn đàn Doanh nghiệp: “Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng thông qua các công cụ phát triển bền vững” ngày 17/4/2024 tại Hà Nội

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2024 – Hơn 100 đại biểu, đại diện các Bộ ngành, Đại sứ quán, Tổ chức quốc tế, Hiệp hội, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp đã cùng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp nhằm chia sẻ và thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh […]

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2024 – Hơn 100 đại biểu, đại diện các Bộ ngành, Đại sứ quán, Tổ chức quốc tế, Hiệp hội, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp đã cùng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp nhằm chia sẻ và thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường, tham gia chuỗi cung ứng thông qua việc áp dụng các công cụ phát triển bền vững.

Diễn đàn do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức, với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Diễn đàn là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tạo cơ hội thị trường bình đẳng cho phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ thông qua mua sắm có trách nhiệm giới” (WE RISE Together) do Chính phủ Úc hỗ trợ thông qua Quan hệ Đối tác Mekong-Úc.

Phụ nữ chiếm gần một nửa dân số thế giới nhưng họ hiện chỉ đóng góp 37% GDP toàn cầu. Trao quyền cho phụ nữ tham gia bình đẳng vào nền kinh tế có thể giúp tăng trưởng GDP tòan cầu tới 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trên thế giới ước tính cho thấy phụ nữ sở hữu khoảng 33% tổng số doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng trưởng theo tỷ lệ tăng trưởng như của nam giới, GDP toàn cầu sẽ tăng lên thêm khoảng 2 nghìn tỷ USD – tương đương 2% đến 3% GDP toàn cầu – và tạo ra từ 288 triệu đến 433 triệu việc làm mới. Hiện nay, tại Việt Nam, hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác.   Tuy nhiên, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn. 

Tại Diễn đàn, các đại biểu, đại diện doanh nghiệp đã chỉ ra những nguyên nhân chính của thực trang này bao gồm 1) hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn, thị trường 2) thiếu hụt các mạng lưới hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ 3) ít các chương trình đào tạo và cơ hội cố vấn để trau dồi kỹ năng cho doanh nhân nữ; 4) gánh nặng của công việc chăm sóc gia đình và định kiến về khả năng kinh doanh của phụ nữ vẫn còn tồn tại.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bà Caroline T. Nyamayemobe, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh “Bằng chứng cho thấy các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn có nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh hơn. Việc áp dụng công cụ phát triển bền vững như chính sách mua sắm có trách nhiệm giới và Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) là một trong những lựa chọn thông minh giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt và phát triển bền vững.”

Diễn đàn đã cập nhật thông tin về lộ trình doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng những tiêu chuẩn về phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế; chia sẻ về các chính sách, chương trình tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, hỗ trợ tài chính và phi tài chính dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo.  

Nhân dịp này, 22 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia ký Ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (Women’s Empowerment Principles – WEPs), thể hiện cam kết thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng. Tại Diễn đàn, Ban tổ chức cũng đã phát động Giải thưởng thực hiện Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ 2024 (WEPs Awards 2024), là một sáng kiến của UN Women được thực hiện từ năm 2020.

Một số hình ảnh tại Diễn đàn:

Phát biểu chào mừng: Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Phát biểu chào mừng: Bà Carol Holmes, Quyền Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam

Phát biểu Khai mạc và dẫn đề: Bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women)

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư với bài chia sẻ: “Doanh nghiệp Phát triển bền vững: Từ chính sách tới hành động”

Bà Sarah Twigg, Trưởng nhóm Giới và Kinh tế bao trùm, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) với bài chia sẻ “Chính sách, chương trình về tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho Doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Việt Nam”

Ông Phạm Đức Hậu, Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với bài chia sẻ: “Chương trình hỗ trợ phi tài chính cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường”

Toàn cảnh hội trường

Phiên thảo luận: Chính sách và thực tiễn – Thúc đẩy doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng

Điều phối:

Bà Mai Thị Diệu Huyền, Phó Chủ tịch phụ trách, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI

Diễn giả tham gia thảo luận:

  • Bà Nguyễn Tùng Anh, Phó Trưởng phòng, Phòng Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
  • Bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Traphaco;
  • Bà Trần Thu Thủy, Thành viên Hội đồng Quản trị, Công ty CP Chứng khoán VPS

Bà Nguyễn Kim Lan, Quản lý chương trình Tăng cường Quyền năng Kinh tế cho Phụ nữ (WE RISE Together), UN Women Việt Nam: Giới thiệu & phát động Giải thưởng UN Women WEPs Awards Asia Pacific 2024

Các Doanh nghiệp tham gia ký Ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ – WEPs

Các Doanh nghiệp tham gia ký Ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ – WEPs

Các Doanh nghiệp tham gia ký Ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ – WEPs

 

There are no comments yet

Tin khác đã đăng